Tìm Hiểu Về Cấu Trúc Và Chức Năng Của Làn Da
Chăm Sóc Da,  Kiến Thức Làm Đẹp

Tìm Hiểu Về Cấu Trúc Và Chức Năng Của Làn Da – Phần 1

Làn da có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất của con người. Bên cạnh việc đóng vai trò là rào cản đầu tiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút, một làn da khỏe mạnh còn duy trì sự cân bằng của các chất và giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Đối với chuyên đề cấu trúc và chức năng làn da, Vivita Beauty sẽ chia sẻ thành 2 phần:

  • Phần 1: Giới thiệu về cấu trúc của da gồm biểu bì, trung bì, hạ bì
  • Phần 2: Cấu trúc da của các bộ phận phụ và chức năng sinh lý của da

Cấu trúc của da

Cấu trúc của làn da gồm 3 phần chính
Cấu trúc của làn da gồm 3 phần chính

Diện tích da ở người trưởng thành có khoảng 2 m², chiếm khoảng 5% khối lượng toàn cơ thể và tiếp nhận khoảng ⅓ lượng máu lưu thông. Da có bề dày từ 0.5 – 4mm tuỳ theo vùng da và tuỳ theo lứa tuổi. Da được cấu tạo bởi 2 phần chính là phần da và các bộ phận phụ.

Phần da gồm 3 lớp tổ chức chính là:

  • Biểu bì (epiderma) hay còn gọi là thượng bì hay ngoại bì
  • Trung bì (derma) còn gọi là chân bì hay nội bì
  • Hạ bì (hypoderma)

1. Biểu bì

Chức năng của lớp biểu bì
Chức năng của lớp biểu bì

Biểu bì là lớp tổ chức ngoài cùng của da. Lớp này có bề dày thay đổi tuỳ theo vị trí trên cơ thể trong khoảng 0.1 – 1mm. Lớp này bao gồm:

Màng chất béo bảo vệ: có bản chất là một nhũ tương kiểu Nước/Dầu, bề dày 0.1 – 0.4µm và pH acid (≃ 5). Pha Dầu là hỗn hợp các chất béo được tiết ra từ các tuyến bã nhờn. Pha Nước gồm nước và các chất được tiết ra từ tuyến mồ hôi chứa một số ion và một lượng nhỏ các chất khác như ure, glucose, acid lactic… Chất nhũ hoá chủ yếu là cholesterol và các este của nó. Lớp này hầu như không ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc.

Lớp sừng (Stratum corneum):

  • Còn gọi là lớp đối kháng hay là hàng rào bảo vệ: lớp này có vai trò quan trọng nhất trong quá trình hấp thu thuốc. Bề dày khoảng 20 – 40µm, bình thường chỉ dày khoảng 10µm và chứa khoảng 10% nước, nhưng khi thấm nước sẽ dày lên đáng kể. 
  • Bề mặt của lớp sừng được cấu tạo bởi các tế bào đã chết dễ bong tróc, bên trong là lớp tế bào sừng hoá rắn chắc liên kết chặt chẽ.
  • Lớp sừng có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại tác động của các yếu tố bên ngoài, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong quá trình thấm nước và các chất qua da. Mặt khác, lớp sừng còn có khả năng giữ lại một phần hoạt chất nên được coi như một kho dự trữ hoạt chất và phóng thích hoạt chất từ từ.
  • Vì vậy, lợi dụng điều này, người ta điều chế các chế phẩm có tác dụng kép (coi lớp sừng như một kho dự trữ và giải phóng thuốc dần dần).

Lớp niêm mạc (lớp Malpighi): có độ dày khoảng 30 – 60µm. Phần cuối cùng của lớp này giữ vai trò sinh sản, thường xuyên sinh ra các tế bào mới.Ở ranh giới giữa hai lớp sừng và lớp niêm mạc có một lớp tế bào dày khoảng 10µm được gọi là vùng hàng rào “Rein”. Hàng rào này có tính không thấm nước và ngăn cản không cho nước di chuyển từ các lớp tế bào dưới lên lớp tế bào sừng của biểu bì, do vậy cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thấm và hấp thu nước qua da.

2. Trung bì

Bề dày khoảng 3-5 mm, cấu tạo bởi 2 lớp:

  • Lớp thứ nhất gồm các tế bào liên kết còn non và rất ít sợi, đã có nhiều mao mạch, bạch mạch và tận cùng của sợi thần kinh. Một số sợi thần kinh xuyên ra tận biểu bì.
  • Lớp thứ hai rắn chắc hơn và có tính đàn hồi nhờ những sợi liên kết collagen (chất keo thân nước) có bề dày đều đặn xen kẽ với các mao mạch. Do được cấu tạo chủ yếu là chất keo thân nước nên các chất thân nước dễ dàng thấm qua lớp tổ chức này. 

Trung bì còn có các tuyến bã nhờn, các tuyến mồ hôi và hệ mao mạch cung cấp máu để vận chuyển chất dinh dưỡng, chất thải, điều hoà huyết áp và nhiệt độ, cũng như tiếp nhận hoạt chất chuyển đến các mô, đến các tổ chức cần trị liệu.

3. Hạ bì

Chức năng của lớp hạ bì
Chức năng của lớp hạ bì

Là lớp tổ chức trong cùng của da, tiếp nối với môi trường bên trong cơ thể. Lớp này có bản chất là một lớp mỡ ở dạng nhũ tương kiểu Nước/Dầu với chất nhũ hoá là cholesterol, do đó các chất thân dầu dễ dàng thấm qua. 

Ở hạ bì, có các mao mạch, các sợi thần kinh, đặc biệt là nơi chứa chân các tuyến mồ hôi và hành của các bao lông, nhờ vậy các hoạt chất thân dầu có thể đi qua da.

Kết thúc phần 1 của cấu trúc da (biểu bì, trung bì, hạ bì), phần hai Vivita Beauty sẽ giới thiệu về cấu trúc các bộ phận phụ và chức năng sinh lý của da. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới nhé, chúc các nàng có làn da đẹp và trẻ trung.

Xem thêm: Tìm Hiểu Về Cấu Trúc Và Chức Năng Của Làn Da – Phần 2

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.