Tìm Hiểu Về Sinh Lý Chu Kỳ Kinh Nguyệt Của Phụ Nữ
Kiến Thức Làm Đẹp,  Sinh Lý Nữ

Tìm Hiểu Về Sinh Lý Chu Kỳ Kinh Nguyệt Của Phụ Nữ

Là phụ nữ, chúng ta cần hiểu rõ chu kỳ kinh nguyệt và có kiến thức nhất định để ứng dụng vào từng nhu cầu nhất định. Bài viết dưới đây là chi tiết về sinh lý chu kỳ kinh nguyệtVivita Beauty dành cho bạn.

Sinh Lý Chu Kỳ Kinh Nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý ở phụ nữ, xảy ra từ thời điểm dậy thì cho đến khi mãn kinh. Dưới ảnh hưởng của sự sụt giảm đột ngột estrogen hoặc progesterone, tử cung của người phụ nữ có tình trạng chảy máu mang tính định kỳ.

Thời điểm bắt đầu có kinh nguyệt, đánh dấu người phụ nữ bắt đầu có rụng trứng và có khả năng mang thai, thường xảy ra năm 12-14 tuổi và kết thúc ở tuổi mãn kinh thường là 48-52 tuổi.

Chu ky kinh nguyệt được tính từ ngày thứ nhất có kinh (gọi là ngày 1 của vòng kinh), gồm 4 giai đoạn chức năng nối tiếp nhau là giai đoạn nang tố, rụng trứng, hoàng thể tố, và hành kinh. Một chu kỳ thường kéo dài 21-35 ngày nhưng có ít nhất 20% phụ nữ có các chu kỳ không đều. 

Bắt đầu của chu kỳ kinh nguyệt là giai đoạn nang tố hay còn gọi là noãn bào (oocyte) và các hormon sinh dục nữ. Dưới sự điều hoà phức tạp của hệ thống nội tiết sinh sản gồm: vùng dưới đồi, tuyến yên, buồng trứng, những thay đổi theo chu kỳ của hormon GnRH (gonadotropin releasing hormone), FSH (follicle stimulating hormone), LH (luteinizing hormone), estrogen, progesterone và androgen mà một nang noãn hay còn gọi là nang trứng (follicle) phát triển ưu thế hơn.

Bảng tính chu kỳ kinh nguyệt
Bảng tính chu kỳ kinh nguyệt

Trung bình trứng được chọn lọc phát triển đến giai đoạn trưởng thành và rụng trứng (phóng noãn). Các nang trứng khác sẽ thoái hoá. Tổng số lượng trứng được tạo ra trong suốt cuộc đời người phụ nữ có giới hạn và chất lượng trứng giảm theo độ tuổi.

Vì vậy, lứa tuổi sinh sản lý tưởng của người phụ nữ thường giới hạn trong khoảng 20-35 tuổi. Sau tuổi này, khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu giảm đáng kể mặc dù trứng vẫn còn rụng và hành kinh đều mỗi tháng.

Giai đoạn rụng trứng được kích thích bởi hormone LH tăng đột ngột. Trong giai đoạn này, noãn được phóng thích và được vòi trứng bắt lấy, bắt đầu di chuyển vào trong lòng ống dẫn trứng để chuẩn bị thụ tinh với tinh trùng. Quá trình thụ thai sẽ xảy ra nếu trứng gặp tinh trùng, thụ tinh tạo thành phôi nang (blastocyst) và làm tổ ở thành tử cung.

Cách mốc thời gian trong chu kỳ kinh nguyệt
Cách mốc thời gian trong chu kỳ kinh nguyệt

Giai đoạn sau rụng trứng được gọi là giai đoạn hoàng thể tố. Phần còn lại của nang trứng sau khi noãn được phóng thích tạo thành hoàng thể và thân nhiệt tăng (là một chỉ dấu của sự rụng trứng đã xảy ra). Hoàng thể chỉ tồn tại khoảng 14 ngày và sẽ bị thoái hoá nếu sự thụ tinh không xảy ra.

Trong giai đoạn nang tố và rụng trứng, nội mạc tử cung chuẩn bị cho sự làm tổ. Estrogen được tiết ra từ buồng trứng làm dày lớp nội mạc và kích thích lượng máu đến nội mạc tử cung. Trong giai đoạn hoàng thể, progesteron đóng vai trò chính tiếp tục làm tăng sinh nội mạc.

Nếu sự thụ tinh không xảy ra, nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh, động mạch co thắt, nội mạc tử cung không được nuôi dưỡng bị thoái hoá, dẫn đến bị bong tróc và xảy ra giai đoạn hành kinh, với lượng máu mất khoảng 20-80mL và kéo dài 4-6 ngày.

Để sự thụ tinh xảy ra, tinh trùng và trứng cần gặp nhau trong vòng 12-24 giờ đối với trứng và 48-72 giờ đối với tinh trùng. Vì vậy, giai đoạn dễ thụ thai nhất là trong vòng khoảng 3 ngày trước và 1 ngày sau khi rụng trứng (khoảng ngày 12-16 trong vòng kinh 28 ngày). 

Những chu kỳ không rụng trứng (anovulatory cycles) là do cơ thể sản xuất thiếu GnRH hoặc giảm tiết FSH và LH (như trong trường hợp sụt cân, tập luyện quá mức, stress, trầm cảm, tăng prolactin máu) hoặc sản xuất androgen quá mức tại nang trứng (do tăng insulin máu, hội chứng buồng trứng đa nang).

Ngoài ra, thể tích và đặc điểm của dịch tiết âm đạo cũng thay đổi theo chu kỳ, có thể giúp dự đoán thời điểm rụng trứng, làm cơ sở để áp dụng các biện pháp tránh thai hoặc có thai theo ý muốn. Bên cạnh đó, bảng dưới đây diễn tả một số triệu chứng cũng có thể xảy ra thay đổi tuỳ theo giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.

Giai đoạn hành kinhGiai đoạn rụng trứngGiai đoạn tiền kinh nguyệt
-Cáu gắt
-Lo âu
-Chảy máu kinh nguyệt
-Đau bụng dưới
-Đau chân và lưng
-Nhức đầu, chóng mặt
-Buồn nôn
-Tiêu chảy
-Libido tăng hoặc giảm
-Buồn nôn
-Đau nhói
-Ra máu thấm giọt
-Libido tăng
-Tăng cân
-Đầy hơi
-Sưng mắt, mắt cá chân
-Căng ngực, đau ngực
-Lo lắng, trầm cảm
-Nhức đầu, buồn nôn
-Nổi mụn
-Ra máu thấm giọt
-Đau người
-Táo bón

Nguồn: Sách Dược Lâm Sàng Và Điều Trị

Hy vọng qua bài viết trên. Vivita Beauty đã cung cấp các thông tin bổ ích về chu kỳ kinh nguyệt cho các chị em phụ nữ. Nếu còn bất kỳ thắc mắc gì thì đừng ngần ngại để lại bình luận bên dưới nhé, chúc các nàng có làn da đẹp và trẻ trung.

Xem thêm: Top 12 Sản Phẩm Tăng Cường Nội Tiết Tốt Nhất Cho Chị Em

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.